Lượt xem: 464

Sóc Trăng chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn

Trước thực trạng thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra, việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm trong suốt công đoạn từ sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến và cung cấp ra thị trường được xem là giải pháp tốt nhất để quản lý tốt chất lượng sản phẩm. Tại Sóc Trăng, Đề án xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng. Điều này cũng góp phần nâng cao giá trị lợi nhuận cũng như giữ vững uy tín cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

 


Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

 

    Vườn chanh leo ngọt của nông dân Nguyễn Hữu Công ở xã Song Phụng, huyện Long Phú hiện không còn xa lạ đối với người dân trong tỉnh. Ngoài tiêu thụ tại tỉnh, lượng chanh leo ngọt hiện đã mở rộng được thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố thông qua các buổi quảng bá tại hội chợ, đặc biệt là sàn thương mại điện tử. Nhận thức rõ kênh tiêu thụ tốt, sản phẩm càng phải chất lượng để giữ vững uy tín trên thị trường, được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, từ năm 2020, 1,5 ha canh tác chanh leo được ông Công mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác VietGAP.

    Theo đó, ông Công được hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, trong đó tập trung 04 tiêu chí chính là kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Theo ông Công chia sẻ, việc áp dụng quy trình sản xuất chanh leo VietGAP có ưu điểm chính là đảm bảo được an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu từ giống, chăm sóc, bón phân đến tưới nước. Nhờ thay đổi quy trình canh tác theo hướng cải thiện chất lượng mà trái chanh leo ngọt được trồng tại vườn nhà ông Công mở rộng được thị trường tiêu thụ dù giá cao hơn so với chanh leo được trồng theo phương pháp truyền thống từ 20.000 – 30.000 đồng mỗi kg. Ông Công chia sẻ: “Lúc trước chỉ nghe qua chứ chưa hiểu rõ VietGAP là như thế nào, sau khi bắt đầu áp dụng vào vườn mới thấy rõ lợi ích mang lại. Trước nhất là an toàn cho sức khỏe người sản xuất nhờ được trang bị những trang thiết bị bảo hộ trong quá trình phun xịt thuốc, biết được cách chọn thuốc, phun thuốc vào thời điểm như thế nào cho đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu như trước đây mỗi một ký chanh dây mình bán từ 80 đến 100 nghìn đồng/1 kg, thì khi được gắn chứng nhận VietGAP mình bán với giá 120 nghìn đồng, người tiêu dùng vẫn chấp nhận”.

    Bên cạnh khuyến khích các tập thể, hộ sản xuất từng bước xây dựng các vùng trồng theo quy trình canh tác sạch, an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng đã thẩm định, đánh giá phân loại theo Thông tư 38 và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hơn 200 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ xây dựng 14 cửa hàng thực phẩm an toàn ở 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dự kiến, đến cuối năm 2021, Chi cục sẽ hỗ trợ mở thêm 8 cửa hàng thực phẩm an toàn ở các huyện, thị xã trong tỉnh.

    Khi vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên bức xúc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, nhiều cơ sở đã chủ động kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình sản xuất các sản phẩm được chế biến từ nông sản; thông qua những thỏa thuận với người trồng về chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như chú trọng hơn các khâu đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sơ chế, chế biến, các dụng cụ bảo hộ lao động... Là một trong những cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn của tỉnh, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản Cô Mới thuộc thành phố Sóc Trăng đã tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo tất cả các sản phẩm được sạch, an toàn, cơ sở đặc biệt chú trọng từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu sơ chế, chế biến. Riêng các sản phẩm được nhập thêm từ những cơ sở sản xuất khác đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chị Phạm Thị Mới – chủ cửa hàng nông, lâm, thủy sản Cô Mới, cho biết thêm: “Nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo sạch, khu vực sơ chế nguyên liệu trước khi chế biến, hay tiến hành ủ, đóng gói  phải đảm bảo phân thành từng khu riêng biệt, kín đáo và vệ sinh, không để côn trùng xâm nhập. Sản phẩm sau khi đã  vào hộp, đóng gói đều có dán tem, nhãn rõ ràng về ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách dùng...”.

    Tại Việt Nam, nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ đạo, có vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Riêng với thị trường nội địa, nông sản cũng là thực phẩm tiêu dùng được ưa chuộng trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình Việt. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên những yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng có sự khắt khe hơn. Bên cạnh các dấu hiệu nhận biết từ thông tin trên bao bì, mẫu mã thì quy trình sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình sơ chế, chế biến đều phải đảm bảo an toàn. Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Anh – Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng lưu ý: “Việc chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn gồm có 02 tiêu chí. Đối với cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, riêng cơ sở chưa đủ điều kiện để được cấp giấy cơ sở an toàn thực phẩm thì phải có cam kết sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư 17, hoặc cơ sở đó phải có các chứng nhận đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, như là VietGAP, HACCAP, ISO... Đối với sản phẩm muốn được xác nhận chuỗi thì phải đáp ứng các tiêu chí về chỉ tiêu an toàn như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng, đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc Thông tư của các bộ, ngành liên quan. Riêng các cơ sở chế biến, bao gói cần phải ghi nhãn đáp ứng theo quy định, thông tin trên nhãn phải ghi đầy đủ tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, các thành phẩm trong sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và những lưu ý khi sử dụng”.

    Có thể thấy, việc xây dựng chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn không chỉ đảm bảo sức khỏe, củng cố niềm tin từ người tiêu dùng mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững nghề chăn nuôi, trồng trọt của tỉnh. Qua đó, tạo mối liên kết tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo hướng sạch, an toàn, tăng khả năng cạnh tranh đối với các mặt hàng có cùng chủng loại trên thị trường quốc tế.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 7988
  • Trong tuần: 78,695
  • Tất cả: 11,802,015